Đăng Ký Hộ Kinh Doanh Cần Giấy Tờ Gì? Checklist Đầy Đủ
Bạn đang có ý định mở cửa hàng, quán ăn nhỏ hay kinh doanh online hợp pháp? Một trong những thủ tục đầu tiên bạn cần thực hiện là đăng ký hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, không ít người gặp lúng túng vì không biết đăng ký hộ kinh doanh cần giấy tờ gì, nộp ở đâu, chuẩn bị ra sao cho đúng quy định và nhanh nhất.
Trong bài viết này, Kỹ năng Kế toán sẽ cung cấp cho bạn checklist đầy đủ những loại giấy tờ cần thiết để đăng ký hộ kinh doanh. Hướng dẫn này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, tránh thiếu sót và chủ động trong từng bước chuẩn bị.
1. Điều kiện đăng ký Hộ kinh doanh
Cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh khi đáp ứng được những điều kiện như sau:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
- Tên của hộ kinh doanh được đặt theo đúng quy định tại Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
- Có hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hợp lệ
- Nộp đủ lệ phí đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
Điều kiện chấp thuận hồ sơ đăng ký qua mạng
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh trực tuyến được chấp thuận khi:
Đầy đủ giấy tờ theo quy định, kê khai đúng nội dung như hồ sơ bản giấy và được trình bày dưới dạng văn bản điện tử.
Các văn bản điện tử có tên tương ứng với giấy tờ bản giấy, có thể sử dụng chữ ký số hoặc quét (scan) bản giấy để nộp.
Thông tin đăng ký trên hệ thống phải chính xác và đầy đủ, bao gồm số điện thoại, email của người nộp hồ sơ.
Hồ sơ phải được xác thực bằng chữ ký số của chủ hộ hoặc người được ủy quyền. Nếu ủy quyền, cần bổ sung giấy tờ theo khoản 4, Điều 84, Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
2. Checklist đầy đủ khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh
Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định 1323/QĐ-BKHĐT năm 2023, thành phần hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh, bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh theo mẫu được quy định tại Phụ lục III-1 ban hành kèm theo Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT.
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
- Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Nơi tiếp nhận hồ sơ: Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện.
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Lệ phí: do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định dựa trên quy định tại Thông tư 85/2019/TT-BTC.

3. Đăng ký thành lập hộ kinh doanh online như thế nào?
Nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể online tại Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến
Bước 1: Truy cập đăng ký trực tuyến trên website “Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến”;
Bước 2: Chọn điền “đăng ký hộ kinh doanh”, nhận thủ tục đăng ký hộ kinh doanh;
Nhập thông tin hộ kinh doanh
Thông tin chủ hộ kinh doanh
Tên hộ kinh doanh
Địa điểm kinh doanh…
Đăng tải kèm giấy tờ các bản online
Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể online
>>> Xem thêm: Kế Toán Hộ Kinh Doanh Cá Thể: Các Loại Thuế Phải Đóng
Tại Quyết định 1323/QĐ-BKHĐT năm 2023 cũng hướng dẫn các bước để cá nhân có nhu cầu có thể đăng ký qua mạng điện tử sử dụng chữ ký số như sau:
- Cá nhân nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh kê khai thông tin, tải văn bản điện tử, sử dụng chữ ký số để ký xác thực hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh theo quy trình trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh.
- Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trả giấy biên nhận hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cho người nộp hồ sơ qua mạng thông tin điện tử theo quy trình trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh.
Về thành phần hồ sơ: Tương tự những giấy tờ như đã đề cập tại mục (2) nhưng được thể hiện dưới dạng điện tử. Tại đây cũng cần lưu ý, tên văn bản điện tử phải được đặt tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bằng bản giấy.
Về chữ ký số: có thể ký trực tiếp trên văn bản điện tử hoặc ký trực tiếp trên văn bản giấy và quét (scan) văn bản giấy theo các định dạng quy định tại Khoản 2 Điều 5g Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT được bổ sung bởi Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT.
Về thông tin kê khai: Những thông tin được kê khai trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh phải được nhập đầy đủ và chính xác theo các thông tin trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bằng bản giấy, bao gồm cả thông tin về số điện thoại và thư điện tử của người nộp hồ sơ.
Bên cạnh đó, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh phải được xác thực bằng chữ ký số của chủ hộ kinh doanh hoặc người được chủ hộ ủy quyền thực hiện. Trường hợp này phải kèm theo các giấy tờ, tài liệu theo quy định tại Khoản 4 Điều 84 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
4. Một số lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh
Khi tiến hành thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể, bạn cần nắm rõ 7 điểm quan trọng dưới đây để tránh sai sót không đáng có:
- Chỉ có hai đối tượng đủ điều kiện đăng ký hộ kinh doanh, đó là cá nhân hoặc hộ gia đình.
Lưu ý: nhóm cá nhân không được phép đứng tên đăng ký theo quy định hiện hành.
- Tên hộ kinh doanh phải đảm bảo không trùng với bất kỳ hộ kinh doanh nào khác trong cùng quận/huyện – vì vậy nên tra cứu trước để tránh bị trả lại hồ sơ.
- Một địa điểm chỉ được cấp phép cho một hộ kinh doanh duy nhất trên toàn quốc, bạn không thể sử dụng cùng một địa chỉ để đăng ký nhiều hộ kinh doanh khác nhau.
- Vì chủ hộ phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản cá nhân, bạn cần cân nhắc kỹ về mức vốn đăng ký cho phù hợp với khả năng tài chính.
- Số lượng lao động được sử dụng tối đa là 9 người, nếu sử dụng vượt quá sẽ không còn thuộc mô hình hộ kinh doanh nữa.
- Với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện (như ăn uống, làm đẹp, y tế…), bạn nên chủ động trao đổi trước với bộ phận đăng ký kinh doanh để chuẩn bị đúng loại giấy tờ và chứng chỉ liên quan, tránh bị yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần.
- Không phải địa phương nào cũng tiếp nhận hồ sơ theo hình thức trực tiếp, một số nơi chỉ cho nộp online hoặc qua dịch vụ công – nên liên hệ trước với cán bộ đăng ký tại quận/huyện nơi bạn định mở hộ kinh doanh để biết quy trình cụ thể.
Việc đăng ký hộ kinh doanh tuy không quá phức tạp nhưng đòi hỏi bạn phải chuẩn bị đúng và đủ các loại giấy tờ theo quy định. Hy vọng với checklist đầy đủ trong bài viết trên của Kỹ năng Kế toán, bạn đã biết rõ đăng ký hộ kinh doanh cần giấy tờ gì, từ đó chủ động hơn trong quá trình chuẩn bị và nộp hồ sơ.
Nếu còn thắc mắc, đừng ngần ngại để lại bình luận ở phía bên dưới nhé!
>>> Xem thêm: Review Khóa Học Kế Toán Cho Hộ Kinh Doanh Cá Thể Tốt Nhất