Hạch Toán Thuế Nhập Khẩu Theo Thông Tư 200

kynangketoan.vn Tác giả kynangketoan.vn 16/07/2024 48 phút đọc

Thuế nhập khẩu hàng hóa là sắc thuế đánh vào hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu trong quan hệ thương mại quốc tế của các quốc gia, nhóm nước, khu vực có hiệp định giao thương với Việt Nam. Đây là một nguồn thu ngân sách của Nhà nước bên cạnh nhiều loại sắc thuế khác và là một trong những cung cụ điều tiết tiêu dùng nội địa của quốc gia.

Vậy cách tính thuế nhập khẩu, cách hạch toán thuế nhập khẩu theo Thông tư 200 như thế nào? Hãy cùng Kỹ Năng Kế Toán tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay nhé.

I. Khái Niệm Thuế Nhập Khẩu Là Gì?

Thuế nhập khẩu (tiếng anh: Import duty) là một loại thuế mà một quốc gia, một vùng lãnh thổ đánh vào sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài trong quá trình nhập khẩu vào thị trường nội địa.

Khi phương tiện vận chuyển (máy bay, tàu thủy, tàu hỏa, các phương tiện khác,...) đến cửa khẩu biên giới (cửa khẩu biên giới đường bộ, cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế,...) thì bộ phận hải quan sẽ tiến hành kiểm tra hàng hóa thực so với khai báo trong tờ khai hải quan. Bên cạnh đó tiến hành tính số thuế nhập khẩu phải thu theo các công thức đã được pháp luật quy định.

Theo nguyên tắc, thuế nhập khẩu phải được nộp trước khi thông quan để nhà nhập khẩu có thể đưa mặt hàng nhập khẩu vào lưu thông trong thị trường nội địa, trừ khi có các chính sách như bảo lãnh nộp thuế,..

Thuế nhập khẩu được đánh giá là một trong những loại thuế dễ thu nhất và chi phí để thu thuế nhập khẩu là khá nhỏ. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu phải thu theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các thỏa ước quốc tế mà Việt Nam tham gia khi là thành viên trong các tổ chức kinh tế.

*Đặc điểm của thuế nhập khẩu là gì?

- Là khoản đóng góp bằng tiền, ngoại tệ của các cá nhân, tổ chức vào ngân sách Nhà nước khi họ thực hiện nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ qua biên giới Việt Nam.

- Thuế nhập khẩu có đối tượng chịu thuế là các hàng hóa được phép vận chuyển qua biên giới, lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể đối tượng chịu thuế nhập khẩu được quy định tại Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu năm 2016 như sau:

  • Hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới, lãnh thổ Việt Nam
  • Hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước
  • Hàng hóa nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối,....

- Bản chất của thuế nhập khẩu là thuế gián thu nhưng chỉ mang tính tương đối bởi nếu hàng hóa, dịch vụ được nhập khẩu về với mục đích tiêu dùng, sử dụng thì khi ấy chính người tiêu dùng là người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế trực thu.

- Gắn liền với hoạt động kinh tế ngoại thương, chiến lược đối ngoại của mỗi quốc gia

*Vai trò và mục đích của thuế nhập khẩu là gì?

- Tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước

- Là công cụ hữu hiệu giúp nhà nước kiểm soát trong tay các hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, bảo hộ sản xuất trong nước và thực hiện các mục tiêu ngoại thương của chính phủ trong từng thời kỳ.

- Là một quan hệ phân phối giữa các nguồn lực tài chính, phát sinh giữa các chủ thể là doanh nghiệp, cá nhân nộp thuế nhập khẩu và người thu thuế là Nhà nước.

- Là đòn bẩy kinh tế hay biện pháp điều chỉnh kinh tế để nhà nước điều tiết trực tiếp đối với quá trình tiêu dùng, sản xuất trong phạm vi quốc gia và chi phối gián tiếp đối với hoạt động xuất nhập khẩu trong phạm vi khu vực và toàn cầu.

»»» Review Học Kế Toán Online Ở Đâu Tốt

II. Đối Tượng Nộp Thuế Nhập Khẩu

Có rất nhiều các bạn thắc mắc ai là người nộp thuế nhập khẩu để tiến hành kê khai, nộp thuế theo quy định và định khoản thuế trong sổ sách. Như vậy thì ai là người nộp thuế nhập khẩu?

Theo Điều 3 Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu năm 2016 quy định về người nộp thuế nhập khẩu như:

  • Chủ hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu
  • Tổ chức nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu
  • Người nhập cảnh, xuất cảnh có hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, nhận hoặc gửi hàng hóa qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam
  • Người được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thuế thay cho người nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu
  • Người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế nhưng sau đó có sự thay đổi và chuyển sang đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật…

III. Hồ Sơ Kê Khai Thuế Nhập Khẩu

Theo khoản 5 Điều 43 Luật Quản lý thuế 2019, đối với hàng hóa nhập khẩu thì hồ sơ kê hải quan theo đúng quy định của Luật Hải quan được sử dụng làm hồ sơ khai thuế nhập khẩu.

Theo Điều 24 Luật hải quan 2014, hồ sơ hải quan gồm có:

- Tờ khai hải quan hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan;

- Chứng từ có liên quan (có thể khác nhau)

Tùy vào từng trường hợp, người khai phải nộp hoặc xuất trình thêm hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành, các chứng từ liên quan đến hàng hóa theo quy định của pháp luật có liên quan.

Lưu ý: Chứng từ thuộc hồ sơ khai báo hải quan có 2 dạng: chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử. Chứng từ điện tử phải đảm bảo tính toàn vẹn, đầy đủ thông tin và tuân theo khuôn dạng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

IV. Căn Cứ Tính Thuế Nhập Khẩu, Thời Điểm Tính Thuế Và Thời Hạn Nộp Thuế

1. Căn cứ tính thuế nhập khẩu

Theo Điều 5 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định căn cứ tính thuế nhập khẩu như sau:

- Thứ nhất, số tiền thuế nhập khẩu được xác định căn cứ vào trị giá tính thuế và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm của từng mặt hàng tại thời điểm xác định khoản thuế nhập khẩu phải nộp.

- Thứ hai, thuế suất đối với hàng hóa xuất khẩu được quy định cụ thể cho từng mặt hàng tại biểu thuế xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, với trường hợp hàng hóa xuất khẩu sang nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi về thuế nhập khẩu trong quan hệ giao thương với Việt Nam thì thực hiện theo các thỏa thuận đã được thành giao.

- Thứ ba, thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu gồm thuế suất ưu đãi đặc biệt, thuế suất ưu đãi, thuế suất thông thường và được áp dụng như sau:

Thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ quốc gia, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam; hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nội địa đáp ứng được điều kiện xuất xứ từ quốc gia, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ ngoại thương với Việt Nam;

Thuế suất ưu đãi áp dụng đối với hàng nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam; hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ ngoại thương với Việt Nam;

(Trong đó, Tối huệ quốc (Most Favoured Nation, viết tắt là MFN) là một trong những nguyên tắc nền tảng của hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đòi hỏi một quốc gia phải bảo đảm dành cho tất cả các quốc gia đối tác một chế độ ưu đãi thương mại thuận lợi như nhau.)

Thuế suất thông thường áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b Khoản này. Thuế suất thông thường được quy định bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng. Đối với trường hợp mức thuế suất ưu đãi bằng 0%, Thủ tướng Chính phủ căn cứ quy định tại Điều 10 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 để quyết định việc áp dụng mức thuế suất thông thường nào.

⇒ Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ quốc gia ký hiệp định kinh tế có ưu đãi thuế với Việt Nam, thì cần chuẩn bị Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Certificate of Origin - C/O) để nộp cho cơ quan hải quan và hưởng ưu đãi theo quy định.

2. Thời điểm tính thuế nhập khẩu:

Thời điểm tính thuế nhập khẩu

Theo quy định mới nhất về thời điểm tính thuế nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan. Đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế nhập khẩu; hoặc đối tượng áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối trong hạn ngạch thuế quan nhưng được thay đổi về đối tượng không phải chịu thuế, miễn thuế, áp dụng thuế suất, mức thuế suất tuyệt đối trong hạn ngạch thuế quan theo quy định của pháp luật thì thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới.

»»» Review Học Thực Hành Kế Toán Ở Đâu Tốt

3. Thời hạn nộp thuế nhập khẩu:

Thời hạn nộp thuế nhập khẩu được quy định ở rất nhiều bộ Luật như Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Hải quan, Luật quản lý thuế,... Vậy thời hạn nộp thuế nhập khẩu là khi nào?

Thời điểm nộp thuế nhập khẩu là thời điểm trước khi thông quan hoặc giải phóng, tháo dỡ hàng hóa;

Trường hợp được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật Hải quan là được phép thực hiện nộp thuế nhập khẩu sau khi thông quan hoặc giải phóng, tháo dỡ hàng hóa thì hạn chót nộp thuế là ngày thứ 10 của tháng kế tiếp;

Trường hợp doanh nghiệp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế nhập khẩu phải nộp thì được nộp thuế sau thời điểm thông quan hoặc giải phóng, tháo dỡ hàng hóa nhưng phải nộp tiền phạt chậm nộp theo quy định.

Tiền phạt chậm nộp được tính từ ngày được thông quan hoặc hàng hóa được giải phóng, tháo dỡ. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày kể từ ngày đăng ký lập tờ khai hải quan.

V. Phương Pháp Tính Thuế Nhập Khẩu Mới Nhất

Có 3 phương pháp tính thuế nhập khẩu, bao gồm: Phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm, Phương pháp tính thuế tuyệt đối và Phương pháp tính thuế hỗn hợp.

Phương pháp 1: Phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm

Tiền thuế nhập khẩu phải nộp = Số lượng hàng hóa nhập khẩu x Giá tính thuế của mỗi đơn vị hàng hóa x Thuế suất thuế nhập khẩu

Phương pháp 2: Phương pháp tính thuế tuyệt đối

Với phương pháp tính này, cơ quan hải quan sẽ ấn định số thuế nhập khẩu phải nộp trên một đơn vị hàng hóa nhập khẩu, công thức tính sẽ như sau:

Tiền thuế nhập khẩu phải nộp = Số lượng hàng hóa nhập khẩu x Giá trị thuế nhập khẩu mà cơ quan hải quan ấn định trên một đơn vị hàng nhập khẩu

Phương pháp 3: Phương pháp tính thuế hỗn hợp

Nếu áp dụng tính thuế theo phương pháp này, số thuế nhập khẩu phải nộp được tính theo công thức sau:

Thuế nhập khẩu = Tổng số thuế phải nộp theo phương pháp tỷ lệ phần trăm và tuyệt đối

Chú ý: Tỷ giá tính thuế nhập khẩu là tỷ giá ngoại tệ mua vào chuyển khoản của Hội sở chính Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) tại thời điểm cuối ngày của ngày thứ năm tuần trước liền kề. Nếu ngoại tệ đó không được Vietcombank công bố tỷ giá thì xác định theo tỷ giá chéo do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

VI. Trường Hợp Miễn Thuế, Giảm Thuế Nhập Khẩu

1. Đối tượng được miễn thuế nhập khẩu

Một số trường hợp hàng hóa, dịch vụ được miễn thuế nhập khẩu quy định chi tiết tại Điều 16, Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13, cụ thể như sau:

Thuế nhập khẩu được miễn theo Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên;

Đồ dùng, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt, làm việc của cá nhân, gia đình, tổ chức mang theo khi chấm dứt cư trú ở nước ngoài và về Việt Nam, quà biếu, quà tặng cho cá nhân, tổ chức ở Việt Nam (trong định mức);

Hàng hóa mua bán, trao đổi thông qua biên giới của cư dân biên giới để phục vụ sản xuất, tiêu dùng của họ (trong định mức và nằm trong danh mục hàng hóa, sản phẩm theo quy định);

Miễn thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng có trị giá hải quan hoặc có số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới mức tối thiểu;

Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để phục vụ cho hoạt động gia công, sản xuất sản phẩm để xuất khẩu;
Hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan mà những hàng hóa này không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi sản xuất, gia công;

Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc hàng hóa tạm xuất, tái nhập; Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của các dự án khuyến khích đầu tư, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)

Hàng hóa không nhằm mục đích thương mại như hàng mẫu, phim, ảnh, mô hình thay thế cho hàng mẫu, ấn phẩm quảng cáo với số lượng nhỏ;

Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của các tổ chức hưởng ưu đãi đầu tư (bao gồm cả dự án đầu tư mới và các dự án đầu tư mở rộng) theo quy định của pháp luật về đầu tư;

Một số hàng hóa như hạt, giống cây trồng, giống vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu, vật tư linh kiện để sản xuất lắp ráp trang thiết bị y tế, phục vụ hoạt động dầu khí, đóng tàu. Máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động in, đúc tiền, công nghệ thông tin, phần mềm bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học công nghệ, giáo dục,… mà trong nước ta chưa sản xuất được;

Hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động quốc phòng - an ninh của quốc gia;

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ chung cho xã hội như an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.

2. Đối tượng được giảm thuế nhập khẩu:

Hàng hoá nhập khẩu đang trong quá trình giám sát, kiểm tra của cơ quan Hải quan nếu bị hư hỏng, mất mát được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định chứng nhận thì sẽ được xét giảm thuế. Cơ quan Hải quan căn cứ vào số lượng hàng hóa bị mất mát và tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã được giám định, chứng nhận để xét giảm thuế. Mức giảm thuế nhập khẩu tương ứng với tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hoá.

VII. Định Khoản Thuế Nhập Khẩu

1. Hướng dẫn cách hạch toán hàng nhập khẩu

Khi phát sinh nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, vật tư, trang thiết bị, tài sản cố định thì tiến hành hạch toán như sau:

+ Giá trị vật tư, hàng hóa, dịch vụ, trang thiết bị, các loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, … nếu có):

Nợ TK 152, 153, 156, 211…;

Có TK 3333 - Thuế nhập khẩu;

Có TK 33381 - Thuế bảo vệ môi trường;

Có TK 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt;

Có TK 111, 112, 331…

+ Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa nhập khẩu:

Nợ TK 1331 - Thuế GTGT được khấu trừ;

Có TK 33312 - Thuế GTGT hàng nhập khẩu.

+ Khi nộp tiền thuế của hàng nhập khẩu vào Ngân sách Nhà nước:

Nợ TK 33312 - Thuế GTGT hàng nhập khẩu;

Nợ TK 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt;

Nợ TK 3333 - Thuế nhập khẩu;

Nợ TK 33381 - Thuế bảo vệ môi trường;

Có TK 111, 112…

+ Trong quá trình nhập khẩu, nếu có phát sinh chi phí mua hàng như chi phí vận chuyển hàng về kho, chi phí tháo dỡ, chi phí lưu kho... những chi phí đó sẽ được ghi nhận vào giá trị hàng hóa và hạch toán như sau:

Nợ TK 152, 153, 156, 211…;

Nợ TK 1331 - Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ hàng nhập khẩu;

Có TK 111, 112, 331…

>>>> Các bạn tham khảo thêm: Cách tính thuế xuất nhập khẩu

2. Cách xác định tỷ giá hạch toán giá trị hàng nhập khẩu

Trường hợp 1: Thanh toán trước toàn bộ giá trị hàng hóa nhập khẩu

Tỷ giá hạch toán các loại thuế phát sinh (thuế nhập khẩu, thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường...) là tỷ giá trên tờ khai hải quan.

- Khi thanh toán trước, kế toán viên ghi nhận:

Nợ TK 331 - Áp dụng tỷ giá bán ngoại tệ của NHTM nơi thực hiện giao dịch thanh toán;

Có TK 112 - Áp dụng tỷ giá bán ngoại tệ của NHTM nơi thực hiện giao dịch thanh toán.

- Khi nhận hàng nhập khẩu, kế toán viên ghi nhận:

Nợ TK 152, 153, 156, 211 - Áp dụng tỷ giá bán ngoại tệ của NHTM nơi thực hiện giao dịch thanh toán tại ngày thanh toán trước;

Có các TK 3332, 3333, 33381 - Áp dụng tỷ giá trên tờ khai hải quan;

Có TK 331 - Áp dụng tỷ giá bán ngoại tệ của NHTM nơi thực hiện giao dịch thanh toán tại ngày thanh toán trước.

Trường hợp 2: Thanh toán sau toàn bộ giá trị hàng hóa nhập khẩu

- Khi nhận hàng nhập khẩu, kế toán viên ghi nhận:

Nợ TK 152, 153, 156, 211 - Áp dụng tỷ giá bán ngoại tệ của NHTM nơi thực hiện giao dịch thanh toán tại ngày hàng hóa thông quan;

Có các TK 3332, 3333, 33381 - Áp dụng tỷ giá trên tờ khai hải quan;

Có TK 331 - Áp dụng tỷ giá bán ngoại tệ của NHTM nơi thực hiện giao dịch thanh toán tại ngày hàng hóa thông quan.

- Khi thanh toán công nợ, kế toán viên ghi nhận:

Nợ TK 331 - Áp dụng tỷ giá bán ngoại tệ của NHTM nơi thực hiện giao dịch thanh toán tại ngày hàng hóa thông quan;

Nợ TK 635 - Nếu phát sinh chênh lệch lỗ tỷ giá (tỷ giá tại ngày thanh toán cao hơn tỷ giá tại ngày hàng hóa thông quan);

Có TK 515 - Nếu phát sinh chênh lệch lãi tỷ giá (tỷ giá tại ngày thanh toán thấp hơn tỷ giá tại ngày hàng hóa thông quan);

Có TK 112 - Áp dụng tỷ giá bán ngoại tệ của NHTM nơi thực hiện giao dịch thanh toán tại ngày thanh toán công nợ.

Trường hợp 3: Thanh toán trước một phần giá trị hàng hóa, phần còn lại thanh toán sau khi nhận hàng nhập khẩu

Tỷ giá hạch toán giá trị hàng nhập khẩu và nợ phải trả:

Ghi nhận theo tỷ giá của NHTM nơi thực hiện giao dịch thanh toán tại ngày thanh toán trước số tiền tương ứng với số tiền thanh toán trước;

Ghi nhận theo tỷ giá của NHTM nơi thực hiện giao dịch thanh toán tại ngày hàng hóa nhập khẩu thông quan số tiền còn lại chưa thanh toán cho nhà cung cấp.

VIII. Bài Tập Minh Họa Thuế Nhập Khẩu

Alphabila nhập khẩu một lô hàng hoá có giá trị 50.000 USD. Alphabila thực hiện toàn bộ giao dịch thanh toán cho nhà cung cấp qua ngân hàng Vietcombank.

Trường hợp 1: Alphabila thanh toán trước toàn bộ tiền hàng cho nhà cung cấp

- Ngày 01/05/2022 Alphabila thanh toán toàn bộ 50.000 USD. Tỷ giá bán ra USD của ngân hàng Vietcombank tại ngày 01/05/2022 là 23.700 VND/USD;

Nợ TK 331: 50.000 x 23.700 = 11.850.000.000 VND

Có TK 112: 11.850.000.000 VND

- Ngày 15/05/2022 hàng về đến cảng hàng không Nội Bài. Giá trị hàng hóa sẽ được ghi nhận theo tỷ giá tại ngày Alphabila thanh toán trước, không dùng tỷ giá trên tờ khai hải quan để ghi nhận giá trị hàng hóa nhập khẩu.

Nợ TK 156: 50.000 x 23.700 = 1.185.000.000 VND

Có TK 331: 1.185.000.000 VND

Trường hợp 2: Alphabila thanh toán sau toàn bộ số tiền hàng cho nhà cung cấp

- Ngày 15/05/2022 hàng về đến cảng hàng không Nội Bài. Tỷ giá bán ra USD của ngân hàng Vietcombank tại ngày 15/05/2022 là 23.800 VND/USD;

Nợ TK 156: 50.000 x 23.800 = 1.190.000.000 VND

Có TK 331: 1.190.000.000 VND

- Ngày 20/05/2022 Alphabila tiến hành thanh toán toàn bộ giá trị lô hàng cho nhà cung cấp. Tỷ giá bán ra USD của ngân hàng Vietcombank tại ngày 20/05/2022 là 23.600 VND/USD.

Nợ TK 331: 50.000 x 23.600 = 1.180.000.000 VND

Có TK 112: 1.180.000.000 VND

Có TK 515: 50.000 x (23.800 - 23.600) = 10.000.000 VND

Trường hợp 3: Alphabila thanh toán trước một phần giá trị, phần còn lại thanh toán sau khi nhận được hàng

- Ngày 01/05/2022 Alphabila thanh toán trước 15.000 USD (30% giá trị đơn hàng) cho nhà cung cấp. Tỷ giá bán ra của Vietcombank tại ngày 15/05/2022 là 23.700 VND/USD;

Nợ TK 331: 15.000 x 23.700 = 355.500.000 VND

Có TK 112: 355.500.000 VND

- Ngày 15/05/2022 hàng về đến cảng hàng không Nội Bài. Tỷ giá bán ra USD của ngân hàng Vietcombank tại ngày 15/05/2022 là 23.800đ/USD;

Nợ TK 156: (15.000 x 23.800) + (35.000 x 23.700) = 1.186.500.000 VND

Có TK 331: 1.186.500.000 VND

- Ngày 20/05/2022 Alphabila thanh toán 35.000 USD công nợ còn lại cho nhà cung cấp. Tỷ giá bán ra USD của ngân hàng Vietcombank tại ngày 20/05/2022 là 23.600đ/USD.

Nợ TK 331: 35.000 x 23.600 = 826.000.000 VND

Có TK 112: 826.000.000 VND

Có TK 515: 14.000 x (23.800 - 23.600) = 2.800.000 VND

Xem thêm:

Qua bài viết trên, Kỹ Năng Kế Toán đã chia sẻ và hướng dẫn chi tiết cho các bạn về hạch toán thuế nhập khẩu như đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế, định khoản thuế nhập khẩu và bài tập minh họa chi tiết kèm theo.

Hy vọng những kiến thức trên sẽ giải đáp mọi băn khoăn cho các bạn trong vấn đề hạch toán thuế nhập khẩu. Chúc các bạn luôn thành công!

kynangketoan.vn
Tác giả kynangketoan.vn Admin
Bài viết trước Khóa Học Online Trên Nền Tảng Trực Tuyến Leanh.edu.vn

Khóa Học Online Trên Nền Tảng Trực Tuyến Leanh.edu.vn

Bài viết tiếp theo

Top 7 Sai Lầm Thường Gặp Khi Phân Tích Báo Cáo Tài Chính

Top 7 Sai Lầm Thường Gặp Khi Phân Tích Báo Cáo Tài Chính
Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo